Mức sống ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu cao về các sản phẩm thực phẩm chức năng nhằm bổ trợ sức khỏe của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trước ma trận quảng cáo và truyền thông, người tiêu dùng không ít lần “ngộp” trước hằng sa số các mẫu mã, nhãn hiệu muôn màu muôn vẻ, đa dạng thành phần và công dụng,… Việc xem kĩ thành phần sản phẩm, lựa chọn đơn vị sản xuất uy tín, nhà phân phối tin cậy, có tem nhãn mác đầy đủ, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng,… chỉ có thể được áp dụng một cách tự tin với các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, với thực phẩm chức năng, ngoài các tiêu chí trên, việc tìm hiểu thêm xem sản phẩm đó đã qua thử nghiệm lâm sàng hay chưa cực kì quan trọng.
Thử nghiệm lâm sàng là gì?
Thử nghiệm lâm sàng, thực chất là loại nghiên cứu lấy đối tượng thử nghiệm là những người tự nguyện để khảo sát xem những loại thuốc, dược phẩm mới hay liệu pháp trị liệu có an toàn và hiệu quả hay không. Đây là một công cụ quan trọng để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có thể tìm ra các cách mới nhằm cải thiện sức khỏe và đưa ra các lựa chọn điều trị đối với những vấn đề khác nhau liên quan đến sức khỏe và thường được thực hiện dưới sự kiểm soát cực kì chặt chẽ. Do phải trải qua những quy trình gắt gao và được quản lí kĩ lưỡng, công tác thử nghiệm lâm sàng thường chỉ được tiến hành tại các trung tâm y khoa uy tín, các công ty dược lớn, những nơi có uy tín lâu năm trong ngành.
Thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi phải được thực hiện bởi các chuyên gia tại những nơi có uy tín lâu năm trong ngành.
Vì sao nên sử dụng sản phẩm đã qua thử nghiệm lâm sàng?
Rõ ràng, sản phẩm đã qua thử nghiệm lâm sàng chứng minh được công dụng, hiệu quả đem lại cho người bệnh trong quá trình thử nghiệm, giúp người bệnh yên tâm về chất lượng sản phẩm. Vì suy cho cùng, mục đích của các nhà nghiên cứu khi thu thập các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cũng chỉ nhằm trả lời hai câu hỏi "Tác động của sản phẩm tớingười như thế nào?" và "Liệu có an toàn hay không?".
Thực tế, thử nghiệm lâm sàng đối với dược phẩm, thực phẩm chức năng là bắt buộc. Thế nhưng, luôn có nhiều doanh nghiệp sai phạm liên quan đến công bố, quảng cáo bán thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp đăng ký và công bố thông tin không trùng khớp. Vậy nên, người dùng cần phải cực kì tỉnh táo trong nghiên cứu tìm mua sản phẩm, ngoài các tiêu chí niêm yết trên bao bì cần xem xét thêm giấy chứng nhận của các cơ quan ban ngành có thẩm quyền và các công bố về thử nghiệm lâm sàng với các tính năng liên quan được truyền thông của sản phẩm.
Có rất nhiều sản phẩm bổ trợ sức khoẻ trên thị trường, hãy tự biến mình thành người tiêu dùng thông minh khi tìm hiểu rõ sản phẩm mình đang sử dụng thực sự đem lại hiệu quả và tránh được những tác hại không cần thiết do chính sản phẩm trên gây ra.
Theo Dân trí